Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT “Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô”. Với Thông tư này, một loạt những quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải ôtô của Luật GTĐB 2008 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ được cụ thể hoá, chính thức áp dụng thực tế từ đầu tháng 8/2010.
4 nội dung quy định mới
Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Luật GTĐB 2008 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ có 4 yêu cầu lớn và mới đáng lưu ý.
Đó là: Đơn vị kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về số lượng phương tiện sở hữu, hoặc quyền sử dụng hợp pháp phù hợp với phương án kinh doanh; Doanh nghiệp vận tải phải đăng kí và niêm yết công khai tiêu chuẩn dịch vụ; Doanh nghiệp vận tải phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ nhân lực, có bộ phận kiểm soát ATGT, có nơi đỗ xe; Doanh nghiệp phải lắp đặt và duy trì tình trạng kĩ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình chạy xe trên phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định liên tỉnh, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe rơmoóc, sơmi rơmoóc.
Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ban hành là văn bản hướng dẫn thi hành những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô của Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Thông tư gồm có 5 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2010, bao gồm hướng dẫn về điều kiện kinh doanh vận tải đối với tất cả 5 loại hình vận tải ôtô. Cả 5 đối tượng kinh doanh này đều phải đáp ứng một loạt các yêu cầu mới so với trước đây.
Đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định phải bảo đảm có số phương tiện dự phòng bằng 10% so với phương án kinh doanh, phải có phương án kinh doanh vận tải có các nội dung tối thiểu được quy định; Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo tuyến cố định, xe buýt và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT; phải lắp đặt, quản lý thông tin từ thiết bị định vị giám sát hành trình của xe; Phải đăng ký, niêm yết chất lượng dịch vụ đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi.
Yêu cầu đối với thiết bị giám sát hành trình của xe được quy định rõ: Phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định theo quy định; Phải cập nhật liên tục, lưu trữ đầy đủ các thông tin bắt buộc. Đơn vị kinh doanh chịu trách nhiệm: Lắp đặt, khai thác, quản lý thông tin trên thiết bị giám sát hành trình của xe đối với các phương tiện theo quy định; Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải; Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc tối thiểu 01 (một) năm; Cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin bắt buộc cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải gồm: Phương tiện vận tải (nhãn hiệu xe, số ghế, năm sản xuất, trang thiết bị phục vụ hành khách trên xe); Lái xe, nhân viên phục vụ (hoàn thành chương trình tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về vận tải hành khách và an toàn giao thông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ hành khách do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức); Phương án tổ chức vận tải (việc chấp hành phương án hoạt động trên tuyến, hành trình chạy xe, công tác bảo đảm an toàn giao thông); Các quyền lợi của hành khách (bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước); Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của hành khách và phản ánh của thông tin đại chúng, tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách; Các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình. Cam kết chất lượng phải đăng kí công khai trên phương tiện và tại bến xe.
Cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc niêm yết của doanh nghiệp, hợp tác xã và thực hiện theo những nội dung doanh nghiệp, hợp tác xã đã cam kết...
Những ý kiến từ nhiều phía
Mục đích của việc ban hành và thực thi Luật GTĐB 2008 lần này là siết chặt lại các quy định của luật pháp, nhằm lập lại trật tự vận tải, đảm bảo chất lượng của vận tải khách và vận tải hàng, đảm bảo ATGT.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN: Đây là những quy định, những yêu cầu hết sức cơ bản để đảm bảo chất lượng dịch vụ vận tải và ATGT. Thông tư đưa ra các yêu cầu rõ ràng về tính công khai, minh bạch, trách nhiệm và quyền lợi của tất cả các bên tham gia vào dịch vụ vận tải.
Thay mặt các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô VN cho biết: Một số quy định mới khi triển khai khả năng sẽ phát sinh nhiều vướng mắc: quy định taxi, xe buýt phải đăng kí màu sơn riêng, Hà Nội có gần 100 hãng taxi, TP.Hồ Chí Minh có trên 40 hãng, làm sao có tới hơn 100 màu sơn riêng biệt được?
Hay vấn đề luồng tuyến: trùng trên 70% đến 99% vẫn là luồng tuyến mới, được đăng kí, công bố rồi chạy. Bây giờ vấn đề luồng tuyến đã quá hỗn loạn rồi, quy định như vậy làm sao khắc phục được vấn đề trùng lặp tuyến, gây bức xúc và rất lãng phí, mất TTATGT?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét